Welcome to INTERNATIONAL CHESS SCHOOL

Chào mừng bạn đến với Trung Tâm Đào Tạo Cờ Vua Quốc Tế - nơi khám phá tầm nhìn và xứ mệnh đặc biệt trong đào tạo cờ vua cho trẻ em! Chúng tôi tự hào mang đến một môi trường giáo dục thú vị và sáng tạo, nơi trẻ em có thể trải nghiệm và phát triển tiềm năng của mình thông qua trò chơi cờ vua đẳng cấp.

Tại Trung Tâm Đào Tạo Cờ Vua Quốc Tế, chúng tôi luôn tôn trọng và tạo điều kiện cho trẻ em phát triển tư duy logic, khám phá khả năng sáng tạo và rèn luyện kỹ năng chiến thuật. Chúng tôi tin rằng cờ vua không chỉ là một trò chơi, mà còn là một công cụ giáo dục tuyệt vời để giúp trẻ em phát triển toàn diện và trở thành những người tư duy sắc bén trong tương lai. Xứ mệnh của chúng tôi là truyền cảm hứng và đánh thức tiềm năng cờ vua trong trẻ em, giúp các em phát triển kỹ năng tư duy sáng tạo, tự tin và sẵn sàng đối mặt với thử thách trong cuộc sống.

Tại Trung Tâm Đào Tạo Cờ Vua Quốc Tế, chúng tôi tự hào có đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm, nhiệt huyết và đam mê cờ vua. Họ sẽ không chỉ giảng dạy các em kỹ thuật và chiến thuật cờ vua, mà còn truyền đạt những giá trị văn hóa và đạo đức thông qua trò chơi này. Điều này giúp trẻ em phát triển không chỉ về mặt trí tuệ, mà còn về mặt nhân cách và tư duy đạo đức. Giúp các bậc cha mẹ có môi trường giáo dục tốt cho con cái - Nơi chia sẻ những tinh hoa nhất để giúp con bạn ngoan hơn, thông minh hơn, học giỏi hơn bằng bộ môn cờ vua.

INTERNATIONAL CHESS SCHOOL - TRUNG TÂM CỜ QUỐC TẾ - KHAI MỞ TRÍ TUỆ - PHÁT TRIỂN TƯ DUY - RÈN LUYỆN NHÂN CÁCH

Website : www.daycovua.edu.vn - www.hoicovua.vn - www.hocovua.stt.vn - Email: coquocte@gmail.com - Liên hệ Hotline : 0902641618

Thứ Ba, 22 tháng 2, 2022

Giải vô địch cờ vua Quốc gia 2022: Cơ hội tuyển chọn cho SEA Games 31

 Giải vô địch Cờ vua quốc gia 2022 cúp LienVietPostBank sẽ được tổ chức tại Trung tâm hội nghị tỉnh Bắc Giang từ ngày 24/2 đến 5/3/2022. 

Giải gồm 3 nội dung dành cho nam và nữ (6 bộ huy chương): Cờ tiêu chuẩn, cờ nhanh, cờ chớp nhoáng với sự tham gia của hơn 100 các kỳ thủ hàng đầu xuất sắc nhất của 18 các đơn vị tỉnh thành tham dự: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đồng Nai, Cần Thơ, Hải Phòng, Kiên Giang, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Bến Tre, Bình Định, Lâm Đồng, Bắc Giang, Bình Dương, Ninh Bình, Thừa Thiên - Huế, Quân đội, Đồng Tháp.

vo dich co vua
Giải vô địch cờ vua 2022 là cơ hội để tuyển chọn cho SEA Games 31

Các Đại kiện tướng nam và nữ nổi bật tham dự giải phải kể đến như: Trần Tuấn Minh, Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Nguyễn Anh Khôi, Cao Sang, Đào Thiên Hải, Phạm Lê Thảo Nguyên, Nguyễn Thị Thanh An,Hoàng Thị Bảo Trâm, Nguyễn Thị Mai Hưng, Võ Thị Kim Phụng và rất nhiều các kỳ thủ đẳng cấp kiện tướng quốc tế, kiện tướng FIDE tham dự như Lê Tuấn Minh, Nguyễn Thiên Ngân, Bạch Ngọc Thùy Dương… Cũng tại giải đấu này, nhiều tài năng trẻ đã khẳng định được năng lực và trình độ của mình để vươn lên góp mặt trong các đội tuyển quốc gia trong nhiều năm qua.

273236028_650476392850509_1767721712231328526_n
Nhà vô địch cá nhân nữ 2021 Phạm Lê Thảo Nguyên phải bảo vệ ngôi vương năm 2022

Từ kết quả của giải đấu năm nay, Tổng cục TDTT và LĐ Cờ VN sẽ tuyển chọn các kỳ thủ vào đội tuyển quốc gia tham dự các giải đấu quốc tế trong năm 2022- 2023; đặc biệt là thành phần tham dự SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam vào tháng 5 tới.

Sở Văn hóa , Thể thao và Du lịch Bắc Giang –  Đơn vị đăng cai tổ chức đã phối hợp với Liên đoàn Cờ Việt Nam và các đơn vị liên quan, chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, chuyên môn đảm bảo việc tổ chức giải đấu thành công, thể hiện trách nhiệm trong việc phát triển phong trào cờ vua trên địa bàn tỉnh nói riêng và trên toàn quốc nói chung. Bắc Giang cũng là một trong những địa phương có phong trào cờ vua rất phát triển trong những năm qua, nhất là đội nữ với nhiều kỳ thủ góp mặt trong đội tuyển quốc gia và gặt hái được nhiều thành tích quốc tế.

Theo Tạp chí Người đưa tin

Thứ Tư, 16 tháng 2, 2022

Hành trình “phong Hậu” nơi đất Mỹ của kỳ thủ Việt Nam

 


Từ tài năng nhí đến vận động viên trẻ, từ Việt Nam đến nước Mỹ xa xôi, kỳ thủ Nguyễn Thanh Thủy Tiên bước qua hành trình dài để chứng tỏ bản lĩnh qua từng ván cờ. 

Thử thách mới, thành công mới

Sau thành tích tại giải Vô địch Cờ vua các nhóm tuổi Đông Nam Á năm 2007 lúc 8 tuổi, Nguyễn Thanh Thủy Tiên đã gắn bó 15 năm với nghiệp kỳ thủ. Nhận được học bổng nhờ vào thành thích cờ vua, nữ vận động việc của đội tuyển Cờ vua Tp.HCM lên đường đi du học tại Mỹ vào cuối năm 2016 khi đang là học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.


                   Thành tích cờ vua 15 năm của kỳ thủ Nguyễn Thanh Thủy Tiên vẫn chưa dừng lại

Đến với xứ lạ, cô gái sinh năm 1999 này vừa phải thích nghi với đời sống mới, vừa trau dồi học tập trong khi tìm hướng đi mới cho sự nghiệp cờ vua.

Nhớ lại những ngày tháng bỡ ngỡ đó, Thủy Tiên kể: “Cũng như nhiều bạn khác khi du học, tôi gần như là không thể nghe hiểu, giao tiếp với người địa phương. Rất may rằng trường cấp 3 tại Mỹ nơi tôi theo học là ngôi trường đa văn hóa, học sinh đến từ 20 quốc gia nên sự lúng túng chỉ là khó khăn ban đầu”.

Sau khi vững vàng hơn, Thủy Tiên quyết tâm thể hiện bản thân tại đấu trường cờ vua tại Mỹ. Cờ vua là môn thể thao quốc tế nên hệ số Elo mà cô nàng đạt được từ khi ở Việt Nam vẫn được sử dụng để tham gia các giải đấu nước ngoài.
Tuy nhiên, bên cạnh hệ số như quốc tế, Liên đoàn Cờ vua Mỹ có thêm hệ số Elo của riêng họ nên Thủy Tiên có cơ hội thi đấu nhiều hơn.

Nhưng điều khiến Thủy Tiên ấn tượng là cách thi đấu cờ vua tại Mỹ có cách chia bảng khác với Việt Nam. Không phân biệt theo giới tính hay độ tuổi, thi đấu theo hệ số Elo ngang bằng nên Thủy Tiên được cọ sát, học hỏi với nhiều đối thủ hơn. Có khi là nam kỳ thủ lớn tuổi người Ấn Độ, cũng có lúc là em gái gốc châu Á.

Thời gian đầu trong 2 năm học cấp 3 tại Mỹ, Thủy Tiên tham dự các giải đấu dành cho học sinh sinh viên và mang về thành tích vô địch bang Virginia đối với giải đấu của học sinh từ lớp 9 – 12 khi đang là học sinh lớp 11. Nhờ đó, nữ kỳ thủ được tài trợ tham dự giải đấu toàn quốc.

Trong hành trình thi đấu cờ vua nơi xứ người, không ít lần Thủy Tiên bồi hồi khi gặp lại đồng đội hay đối thủ cũng đến từ Việt Nam. Tình đồng hương nồng ấm hơn sau những trận so tài quyết liệt.

Nuôi dưỡng sự nghiệp từ những giấc ngủ không tròn

Ở tuổi 18 tốt nghiệp cấp 3 tại Mỹ, Thủy Tiên nộp hồ sơ và được 9 trường đại học cấp học bổng. Với việc xác định sẽ theo đuổi ngành Tâm lý học, cô nàng quyết định theo học Hollins University.

Nói về chuyên ngành này, Thủy Tiên kể: “Từ duyên may gặp lại người bạn cũ và sự giới thiệu của người này, tôi dần dần tìm ra hứng thú khi nghiên cứu sự tương quan giữa cờ vua và sự phát triển của não bộ như cách xử lý thông tin, khả năng ghi nhớ,…”.



Từ trung học đến đại học, kỳ thủ Nguyễn Thanh Thủy Tiên đã có bước tiến quan trọng trong sự nghiệp cờ vua.

Nhưng khác với Việt Nam, học thuật tại Mỹ xem Tâm lý học thuộc nhóm ngành khoa học tự nhiên chứ không phải xã hội nhân văn. Vì thế, cách tư duy nhạy bén của Thủy Tiên giúp việc nghiên cứu về hành vi con người ngày càng phù hợp hơn.

Sau thời cấp 3 được thầy cô hộ tống đi thi đấu, Thủy Tiên phải tự lập hơn khi vào đại học. Những giải thi đấu ở Mỹ được tổ chức vào cuối tuần. Ván đầu tiên vào tối thứ Sáu trong khi thứ Bảy, Chủ nhật sẽ tổ chức mỗi ngày 2 ván đấu. Buổi sáng bắt đầu từ 11h và buổi tối khai cuộc lúc 18h và có khi thi đấu đến nửa đêm.

Lịch trình dồn dập nên vào chiều thứ Sáu, ngay khi vừa tan học, Thủy Tiên lên xe cho kịp thi đấu buổi tối. Và ngày Chủ nhật, sau khi kết thúc ván cờ, cô gái trẻ lại lủi thủi đi chuyến xe đêm để đến lớp học vào sáng thứ Hai.

Ngay cả khi thi đấu tại các tiểu bang khác, Thủy Tiên vẫn đi xe thay vì máy bay để tiết kiệm chi phí. Thủy Tiên chi sẻ: “Tại Mỹ, các giải đấu cờ vua được tổ chức thường xuyên, mỗi tháng 3 – 4 giải nhưng tôi chỉ thi đấu 1 – 2 giải/tháng. Tùy vào điều kiện của bản thân mà tôi phải sắp xếp để có thể thi đấu nhiều hơn. Có khi tiền thưởng không đủ chi trả phí đi lại, khách sạn nhưng thi đấu càng nhiều sẽ giúp mình học hỏi càng nhiều, tích lũy điểm cho hệ số Elo”.

Những ngày tháng vừa học, vừa làm thêm gia sư Toán trong thư viện trường, Thủy Tiên không ngại vất vả bên cạnh sự nỗ lực cho cờ vua. Bởi lẽ, khi đạt được mục tiêu hệ số Elo, Thủy Tiên sẽ bước vào các giải thi đấu mở rộng, đối mặt với đại kiện tướng thế giới để bước tiến sự nghiệp càng thêm rộng mở.

Đi thật xa để trở về

Trong thời gian học tại Mỹ, mỗi năm vào kỳ nghỉ hè, Thủy Tiên về Việt Nam để thi đấu cho đội tuyển Cờ vua Tp.HCM từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 8. 

Năm 2021, Thủy Tiên lần đầu mang về Huy chương Vàng đồng đội cho đơn vị. Đồng thời, nữ kỳ thủ này cũng đánh dấu lần đầu tiên đạt thành tích cao là Huy chương Đồng cá nhân giải đấu quốc gia vào tháng 4 với mong muốn khẳng định mình sau nhiều thành tích ở các giải đấu trẻ.


Đầu năm 2021, nữ kỳ thủ Nguyễn Thanh Thủy Tiên mang về thành tích cao cho Đội tuyển Cờ vua Tp.HCM cùng các đồng đội.

Từ cuối tháng 4/2021, dịch bệnh phức tạp tại Tp.HCM khiến các giải đấu bị hủy bỏ. Trong lúc chấp hành giãn cách, Thủy Tiên rèn luyện chuyên môn, học tập online với thầy ở Việt Nam và nước ngoài.

Để tìm hướng đi mới, Thủy Tiên mở chương trình dạy cờ vua bằng tiếng Anh cho trẻ em. Trước đó, nữ kỳ thủ đã có kinh nghiệm hướng dẫn online cho các vận động viên nhí quốc tế của Australia, Singapore, Nga, Mỹ,…

Thủy Tiên nhìn nhận: “Hướng dẫn các em nhỏ học cờ vua bằng tiếng Anh là cách giúp cả thầy và trò chúng tôi luyện thêm tiếng Anh. Bản thân mình được ôn lại kiến thức cờ vua, ghi nhớ tốt hơn qua cách diễn đạt bằng lời”.

Để thực hiện chương trình tại Việt Nam theo cách bài bản, Thủy Tiên dành thời gian hoàn thiện giáo án, tập dợt các phương pháp giảng dạy,…đã được tìm hiểu tại trường đại học cũng như các buổi hội thảo, nghiên cứu khoa học ở Mỹ.

Bên cạnh niềm vui trong việc giảng dạy, tiếp xúc đa dạng học sinh với các trình độ khác nhau, Thủy Tiên mong muốn hỗ trợ trẻ em Việt Nam được phát triển tư duy, rèn khả năng chơi cờ theo cách quốc tế.

Theo Thủy Tiên, cờ vua đối với trẻ em sẽ giúp tăng khả năng tập trung, rèn luyện trí nhớ và tư duy. Nếu thành thạo tiếng Anh về cờ vua, các học trò của Thủy Tiên có thể tự nghiên cứu, trao dồi kiến thức cờ vua bằng tài liệu ngoại ngữ.

Qua những lớp dạy đầu tiên, Thủy Tiên nhận xét: “Thế hệ bây giờ có điều kiện hơn khi chỉ mới 6, 7 tuổi đã được học cờ chuyên nghiệp. Không giống như quá trình chúng tôi phải tự mày mò giữa thời buổi công nghệ chưa phát triển”.

Cứ thế, nữ kỳ thủ trẻ vẫn miệt mài dạy dỗ tài năng cho thế hệ tiếp theo như cách mà cô đã được ươm mầm. Và chắc chắn, 15 năm tiếp theo của Nguyễn Thanh Thủy Tiên sẽ tiếp bước các đàn anh như Lê Quang Liêm, Nguyễn Ngọc Trường Sơn,…để đưa bản lĩnh người Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu.

Nguyễn Thành Nhân (theo Người đưa tin)

Hành trình thú vị thành kiện tướng cờ vua Mỹ của một em bé tị nạn

 Tani Adewumi cùng gia đình chạy trốn khỏi các cuộc tấn công của nhóm cực đoan Boko Haram tại Nigeria và xin tị nạn ở Mỹ. Đam mê môn cờ vua, cậu bé trở thành kiện tướng quốc gia khi mới 11 tuổi.


Tanitoluwa Adewumi, hay còn được biết đến với cái tên “Tani,” vừa tròn 11 tuổi vào tháng 9 vừa qua. Cậu bé đang kỳ vọng sẽ trở thành đại kiện tướng cờ vua trẻ nhất từ trước đến nay ở Mỹ và thế giới.

Đầu năm nay, cậu bé đã trở thành người trẻ tuổi thứ 28 đạt được danh hiệu kiện tướng quốc gia.

Hiện Abhimanyu Mishra, 12 tuổi, là kỳ thủ đang nắm giữ danh hiệu đại kiện tướng trẻ nhất trong lịch sử cờ vua. Tani đang rất cố gắng để vượt qua Mishra.

Ngoài việc hoàn thành chương trình học trên trường tại New York, Tani dành 7 giờ mỗi ngày để luyện tập cờ vua tại nhà. Những ngày không phải đến trường, hầu hết thời gian cậu bé đều ngồi bên bàn cờ.

Phong cách chơi của Tani là gây áp lực liên tục lên đối thủ trong khi nghiền ngẫm về bước đi tiếp theo. “Cháu năng nổ, cháu thích tấn công. Cháu muốn thắng đối thủ nhanh nhất có thể,” cậu bé nói với CNN Sport về phong cách chơi của mình.

Cho đến nay, Tani đã đạt được nhiều thành tích đáng kể với môn cờ vua, trong đó không thể không nhắc đến Giải vô địch cờ vua bang New York năm 2019 - danh hiệu đã thay đổi cuộc sống của gia đình cậu bé mãi mãi. Tani nói: “Cờ vua thực sự đã giúp đỡ cháu và gia đình có được ngày hôm nay.”

Vào tháng 6/2017, gần hai năm trước khi giành được danh hiệu vô địch tiểu bang, Tani và gia đình của mình đã phải chạy trốn khỏi các cuộc tấn công của nhóm cực đoan Boko Haram tại miền bắc Nigeria.

Sau đó cả nhà xin tị nạn tại Mỹ. Họ sống trong một khu dành cho người tị nạn ở trung tâm Manhattan.

Tại trường tiểu học 116 Mary Lindley Murray ở New York, cậu bé đã tham gia vào câu lạc bộ cờ vua của trường và được miễn phí sinh hoạt vì người điều hành viết gia đình cậu gặp hoàn cảnh khó khăn về tài chính. Kể từ đó, cậu bé dành mọi thời gian cho cờ vua và mang về được giải thưởng cao nhất toàn bang.

Khi thông tin về danh hiệu vô địch tiểu bang của Tani được nhiều người biết tới, gia đình cậu bé đã nhận được nhiều khoản hỗ trợ tài chính từ các cá nhân, tổ chức xã hội trên khắp cả nước.

Cha của Tani, anh Kayode Adewumi, hiện làm việc ở một công ty bất động sản, nói với CNN Sport: “Có một gia đình đã trả tiền thuê nhà ở khu Manhattan trong một năm cho chúng tôi. Một gia đình khác đã tặng chúng tôi một chiếc ôtô Honda hoàn toàn mới vào năm 2019. Câu lạc bộ cờ vua Saint Louis ở Missouri đã mời cả gia đình tôi và các huấn luyện viên trong câu lạc bộ của trường đến thăm. Rất nhiều người đã thực sự giúp đỡ, hỗ trợ chúng tôi về mặt tài chính và quyên góp để chúng tôi có thể đi khỏi khu dành cho người tị nạn.”

Sau khi đổi đời, gia đình Tani đã gây quỹ trên trang GoFundMe nhằm quay lại giúp đỡ các hoàn cảnh phải đi tị nạn giống mình. Bên cạnh đó, họ còn lập quỹ Tanitoluwa Adewumi để giúp đỡ trẻ em kém may mắn trên khắp thế giới.

Gia đình Tani cũng đóng góp một khoản tiền lớn cho một tổ chức cờ vua ở Châu Phi để khuyến khích nhiều người tham gia môn thể thao này hơn.

Câu chuyện của Tani mang nhiều nét tương đồng với nhân vật Kentucky - cô bé mồ côi trở thành nhà vô địch cờ vua ở tuổi thiếu niên vào những năm 1960 trong series phim đình đám “The Queen's Gambit” trên Netflix. Tani đã xem bộ phim này và nói rằng “chắc chắn” đã nhìn thấy mình trong đó.

“Cờ vua là tất cả đối với cháu, là cuộc sống của cháu. Đó cũng là thứ giúp cháu và gia đình có được vị trí như ngày hôm nay,” Tani nói.

Để đạt được thành công như hiện tại quả thực không hề dễ dàng đối với Tani. Tại giải đấu cờ vua đầu tiên, Tani đã thua tất cả các ván đấu. “Tất nhiên, cháu đã mất rất nhiều thời gian và cháu tin rằng tất cả mọi người đều mất thời gian như vậy,” Tani nói.

Hiện tại, phần lớn quá trình luyện tập của Tani đều là theo dõi lối chơi của những kỳ thủ xuất sắc nhất thế giới như đương kim vô địch thế giới Magnus Carlsen và các kiện tướng Hikaru Nakamura, Levon Aronian, Ian Nepomniachtchi. Cậu bé nghiên cứu cách họ suy nghĩ và lập kế hoạch cho mỗi bước đi.

Theo đại kiện tướng Magnus Carlsen, có rất ít bí mật khiến anh trở thành kỳ thủ xuất sắc nhất thế giới. Anh nói với CNN Sport: “Điều quan trọng là dành thời gian cho cờ vua. Tôi không nghĩ mình có thể tiến xa trong cờ vua nếu không có tình yêu lớn với nó và đó là điều đã thúc đẩy tôi suốt những năm qua. Chắc chắn tôi đã dành rất nhiều thời gian cho cờ vua nhưng đó là bởi vì tôi luôn luôn yêu nó.”

Được biết, để tiếp bước Carlsen và đạt được danh hiệu đại kiện tướng quốc tế - danh hiệu cao nhất trong cờ vua - Tani sẽ phải đạt được 3 tiêu chuẩn kiện tướng - giải thưởng được trao cho người có thành tích cao trong một giải đấu cờ vua - cũng như phải có hệ số Elo (bảng xếp hạng chi phối cuộc thi cờ vua quốc tế) do FIDE (Liên đoàn Cờ vua Thế giới) đưa ra ít nhất là 2500 điểm./.

Minh Phương (Vietnam+)

Lê Quang Liêm Kỳ thủ Việt nổi danh tại Mỹ

 Năm 2021 ghi mốc son trong sự nghiệp kỳ thủ số 1 Việt Nam Lê Quang Liêm khi trở thành Giám đốc Học viện Cờ vua SPICE kiêm huấn luyện viên trưởng tuyển cờ vua Đại học Webster (Mỹ).

Người truyền lửa

Tháng 5.2021, làng cờ vua đại học Mỹ lẫn người hâm mộ cờ vua Việt Nam bất ngờ với thông tin kỳ thủ số 1 Việt Nam Lê Quang Liêm trở thành Giám đốc Học viện Cờ vua SPICE kiêm HLV trưởng tuyển cờ vua Đại học Webster, là trường nhiều năm liền thống trị các giải đấu trong hệ thống đại học của nước Mỹ.


Lê Quang Liêm (phải) phát biểu bên cạnh tiến sĩ Julian Z. Schuster, Chủ tịch Trường đại học Webster

Với việc tiếp quản “di sản” mà cựu vô địch thế giới Susan Polgar để lại, Lê Quang Liêm (30 tuổi, xếp hạng 30 thế giới) trở thành huấn luyện viên trưởng trẻ nhất trong các đội tuyển cờ vua đại học ở Mỹ. Đại học Webster chính là nơi Liêm nhận học bổng ngành tài chính khóa 2013 - 2017 và tốt nghiệp loại xuất sắc. “Lê Quang Liêm biết rõ những thách thức của việc cân bằng giữa việc thi đấu cờ vua trên đấu trường đại học và trách nhiệm học tập để lấy bằng tốt nghiệp. Cậu ấy cũng hiểu sự khắc nhiệt, tính kỷ luật mà mỗi kỳ thủ cần đối mặt để cạnh tranh trong những giải cờ đỉnh cao. Điều quan trọng, Liêm có khả năng lãnh đạo, sự kiên nhẫn và sáng suốt cần thiết để dẫn dắt các kỳ thủ của chúng tôi đạt được thành tích tốt nhất trong cả học vấn lẫn cờ vua”, tiến sĩ Julian Z. Schuster, Chủ tịch Trường đại học Webster, chia sẻ.

“Công việc của tôi tại Trường Webster là tìm kiếm và tuyển chọn vận động viên cho đội cờ vua trường, hỗ trợ các sinh viên này trong suốt quá trình học tập và thi đấu tại Webster. Đội cờ vua Trường Webster hiện tại có 8 đại kiện tướng và một số kỳ thủ khác. Làm việc với họ thường xuyên cũng giúp tôi duy trì và nâng cao trình độ của mình. Bên cạnh đó, tôi còn kết nối và tổ chức các hoạt động cờ vua cộng đồng để thông qua đó quảng bá hình ảnh của trường và mang cờ vua đến gần với cộng đồng hơn. Tôi nghĩ rằng vị trí này sẽ giúp tôi truyền lửa cho những thế hệ đại kiện tướng tiếp theo. Ưu tiên hàng đầu của tôi là giữ gìn và phát huy danh tiếng xuất sắc mà Susan Polgar đã xây dựng cho đội cờ vua của Đại học Webster”, Lê Quang Liêm chia sẻ với người viết.

Sau hơn nửa năm tham gia công tác quản lý lẫn huấn luyện, Lê Quang Liêm gặt hái những thành công đáng kể: Tổ chức thành công giải cờ SPICE Cup trong vai trò trưởng ban tổ chức và người thắng giải là kỳ thủ của tuyển cờ vua Trường đại học Webster. Đưa đội Webster vô địch đồng đội cờ nhanh giải cờ vua các trường đại học Mỹ bên cạnh vô địch cá nhân cờ nhanh, cá nhân cờ chớp. Ngoài ra, 2 sinh viên Trường Webster là Bruzon, Burke đoạt suất tham dự giải vô địch cờ vua Mỹ.

Vẫn tiếp tục cống hiến cho cờ vua Việt Nam

Sinh sống, làm việc chủ yếu tại Mỹ nhưng khi ai đó hỏi về việc đầu quân cho tuyển cờ vua nước này như rất nhiều kỳ thủ tên tuổi đã làm, Lê Quang Liêm thổ lộ: “Tôi chưa nhận lời mời thi đấu cho liên đoàn cờ vua nước khác và hiện giờ cũng không có ý định này. Trong năm 2022, tôi còn rất nhiều dịp đại diện cho Việt Nam như SEA Games 31, Asian Games, Olympiad. Vậy nên, một trong những ưu tiên sắp tới của tôi là chuẩn bị để thi đấu thật tốt cùng đồng đội tại những giải này”.

Trước lo ngại việc đảm nhận vai trò quản lý Học viện Cờ vua SPICE kiêm huấn luyện viên tuyển cờ vua Đại học Webster ngốn thời gian luyện cờ, Lê Quang Liêm cho biết: “Tôi ít khi đảm nhiệm một vai trò mà thường là 2 - 3 vai trò cùng lúc. Lúc còn đi học, tôi vừa là sinh viên vừa làm vận động viên, thi đấu các giải đấu cho Trường Webster và tuyển VN. Còn hiện nay thì tôi vừa là huấn luyện viên và cũng là kỳ thủ chuyên nghiệp. Bên cạnh việc nghiên cứu, hướng dẫn cho các sinh viên thì tôi cũng có những giải đấu, kế hoạch của riêng mình và tôi biết cách sắp xếp thời gian sao cho hợp lý”. Trong năm 2021 bận rộn, Quang Liêm vẫn thi đấu chuyên nghiệp với kết quả đáng nể như đoạt danh hiệu á quân giải Chessable Masters và lên hạng 12 thế giới nội dung cờ chớp.



23 năm theo đuổi cờ vua qua nhanh như chớp mắt, Lê Quang Liêm thổ lộ lúc mới bắt đầu, cờ vua đối với mình là trò chơi, niềm vui. Sau đó qua quá trình tập luyện thi đấu, cờ vua trở thành niềm đam mê và là sự nghiệp mà mình theo đuổi. Mục tiêu và khát vọng chinh phục các giải đấu cũng lớn dần theo thời gian. “Tôi không đặt giới hạn cho bản thân mình. Tôi sẽ tiếp tục chơi cờ vua đến khi nào mình còn tận hưởng được niềm vui khi thi đấu và học hỏi được thêm nhiều kiến thức mới”, Lê Quang Liêm nói.

Chàng kỳ thủ này dành lời khuyên cho thế hệ đàn em rằng hãy luôn nỗ lực, đừng bao giờ ngừng học hỏi, đừng bao giờ ngại thi đấu và cọ xát vì thi đấu thực tế là một trong những cách tiến bộ nhanh nhất. Không chỉ Webster mà các trường đại học quốc tế khác đều ưu tiên chọn lựa những vận động viên vừa có trình độ văn hóa vừa có niềm đam mê và sự nghiêm túc với cờ vua.

Tôi thích nghiên cứu tài chính và đầu tư

Lê Quang Liêm có nhớ mình đã chơi bao nhiêu ván cờ trong 23 năm qua không? Những cột mốc nào đáng nhớ trong sự nghiệp cờ lẫn cuộc sống? Tôi không nhớ chính xác số ván mình đã chơi trong 23 năm qua.

Số lượng ván đấu trong các giải chính thức khoảng trên 2.000 ván, còn các ván tập luyện, đánh online giải trí thì có lẽ trên 10.000. Kể từ khi tốt nghiệp phổ thông và thi đấu cờ vua chuyên nghiệp cho đến nay, những chiến thắng mà tôi đạt được đều có ý nghĩa đối với tôi. Nếu phải chọn ra một vài giải đấu có ý nghĩa nhất thì đó sẽ là: 2 lần vô địch Aeroflot (2010, 2011); Vô địch cờ chớp thế giới năm 2013; Vô địch châu Á năm 2019; 3 lần vô địch HD Bank (2013, 2015, 2017); 2 lần cùng tuyển Việt Nam vào top 10 Olympiad. Còn cột mốc đáng nhớ trong cuộc sống là việc tôi kết hôn năm 2018.

Ngoài cờ vua, Liêm có đam mê nào khác? Ngoài cờ vua, những lúc rảnh rỗi tôi thích nghiên cứu tài chính và đầu tư. Hiện tại tôi cũng đang thử nghiệm làm streamer và phát hành những video phân tích, hướng dẫn cờ vua bằng tiếng Anh lẫn tiếng Việt.

Ba kỳ thủ Mỹ vào bán kết Grand Prix Berlin

  Bán kết chặng Grand Prix đầu tiên năm 2022 gồm cặp đấu Hikaru Nakamura - Richard Rapport, và Levon Aronian - Leinier Dominguez.

Vòng bảng FIDE Grand Prix ở Berlin kết thúc hôm 11/2, xác định những suất cuối đến bán kết qua loạt tie-break. Dominguez thắng đồng hương Wesley So 1,5-0,5 để vào bán kết gặp một kỳ thủ Mỹ khác là Aronian. Kỳ thủ gốc Armenia đã vượt qua vòng bảng từ hôm 9/2, sớm một vòng đấu.

Rapport cũng hạ Radosław Wojtaszek với tỷ số 1,5-0,5 ở tie-break, vào bán kết đụng cựu số hai thế giới Nakamura. Rapport là kỳ thủ duy nhất không phải người Mỹ góp mặt tại bán kết.

Leinier Dominguez trong ván tie-break đầu tiên với Wesley So ở Berlin, Đức hôm 11/2. Ảnh: Chess.com

Leinier Dominguez trong ván tie-break đầu tiên với Wesley So ở Berlin, Đức hôm 11/2. Ảnh: Chess.com

Nakamura tự nhận mình không phải kỳ thủ chuyên nghiệp, mà là một streamer trên nền tảng Youtube và Twitch. Anh bất ngờ đứng đầu bảng A trước lão tướng Alexander Grischuk, tài năng trẻ Andrey Esipenko và cựu thần đồng Etienne Bacrot. Nakamura cầm quân trắng thắng Esipenko và Grischuk, hoà bốn ván còn lại. Trong đó ở ván cuối, anh cầm quân đen và hoà Esipenko trong thế thua.

Bảng B cũng diễn ra kịch tính khi Rapport thua Wojtaszek ngay ở ván đầu tiên. Nhưng trong năm ván còn lại, kỳ thủ Hungary thắng cả hai ván trước Vladimir Fedoseev. Rapport và Wojtaszek kết thúc vòng bảng với cùng 3,5 điểm. Với sức cờ nhanh trội hơn, Rapport thắng nhanh Wojtaszek ở loạt tie-break.

Bảng C ngã ngũ sớm hơn cả khi Aronian kiếm bốn điểm qua năm ván đầu tiên. Khi đó, các đối thủ đều không có nhiều hơn 2,5 điểm. Aronian hạ Vidit Gujrathi và thắng Vincent Keymer hai lần.

Ở bảng D, Dominguez thua So, nhưng thắng Pentala Harikrishna và Alexei Shirov hai lần. Hai kỳ thủ Mỹ kết thúc sáu ván với cùng bốn điểm. Ở tie-break, So mắc sai lầm ở những lúc thời gian gần cạn, khiến anh thất bại. "Tôi sẽ phải về nhà, không ổn chút nào, nhưng cờ vua là vậy", So nói. "Tôi đã tập luyện cật lực nhưng kết quả lại phụ thuộc vào một quyết định chỉ trong vài giây".

Grand Prix Berlin quy tụ 16 kỳ thủ, chia làm bốn bảng, mỗi bảng bốn người. Bốn kỳ thủ đứng đầu mỗi bảng sẽ vào bán kết, đấu hai ván. Kỳ thủ thắng trận chung kết được 13 điểm, về nhì được 10 điểm. Những kỳ thủ dừng bước ở bán kết được bảy điểm. Mỗi kỳ thủ được chơi tối đa hai trong ba chặng Grand Prix. Hai kỳ thủ điểm tổng cao nhất ở Grand Prix sẽ giành hai suất cuối dự giải Thách đấu 2022 (Candidates). Người thắng Candidates sẽ tranh ngôi Vua cờ với Magnus Carlsen vào mùa thu 2023. Sáu kỳ thủ đã góp mặt tại Candidates là Ian Nepomniachtchi, Teimour Radjabov, Alireza Firouzja, Jan-Krzysztof Duda, Fabiano Caruana và Sergey Karjakin.

Bán kết Grand Prix Berlin diễn ra từ 12/2 đến 14/2. Ngày thi đấu đều bắt đầu lúc 21h, giờ Hà Nội.

Theo: Vnexpress

Đại kiện tướng cờ vua tuổi 100

  Yuri Averbakh thành Đại kiện tướng đầu tiên sống đến năm 100 tuổi, sau sinh nhật hôm 8/2.

Làng cờ thế giới đồng loạt chúc mừng sinh nhật lần thứ 100 của Averbakh hôm 8/2. Ông là Đại kiện tướng sống lâu nhất lịch sử, vượt qua Andor Lilienthal - người qua đời năm 2010 ba ngày sau sinh nhật lần thứ 99. Hiện Averbakh vẫn khỏe mạnh về cả trí và lực, dù mắc Covid-19 tháng 6/2021.

Yuri Averbakh trong một ván đấu năm 2017. Ảnh: Chess.com.

"Liên đoàn cờ vua Nga đã đề nghị tài trợ cho tôi một tháng ở trung tâm hồi sức, sau khi tôi xuất viện", ông nói với Chess.com hôm 8/2. "Lúc này tôi vẫn khỏe. Không may là những năm gần đây thị lực và thính lực của tôi giảm nhiều, nên không thể làm việc cùng máy tính được nữa. Thỉnh thoảng tôi gặp các đồng nghiệp để chia sẻ những ý tưởng mới. Đôi khi tôi cũng nghiên cứu các tàn cuộc. Tôi biết rằng trong thời đại máy tính hiện nay, những nghiên cứu của tôi không còn giá trị thực tiễn. Nhưng công việc này giúp cho đầu óc của tôi nhạy bén".

Averbakh sinh ngày 8/2/1922 tại thành phố Kaluga, cách Moscow 180km về hướng tây nam. Elo hiện tại của ông là 2.445, dù đã hàng chục năm qua ông không thi đấu ván nào tính Elo. Ông được phong Đại kiện tướng năm 1952, với Elo cao nhất sự nghiệp là 2.550. Ông từng vào giải Thách đấu (Candidates) năm 1953, và vô địch Liên Xô năm 1954. Averbakh cũng nhiều lần đại diện cho Nga dự Olympiad cờ vua, bên cạnh Mark Taimanov, Viktor Korchnoi hay Tigran Petrosian.

Điểm nổi bật trong lối chơi của ông là tàn cuộc, và đây cũng là chủ đề chính để ông viết nhiều cuốn sách sau này. Sau khi giải nghệ ở tuổi 40, ông tập trung viết báo và huấn luyện kỳ thủ. Averbakh cũng làm chủ tịch Liên đoàn cờ vua Nga giai đoạn 1973-1978. Ông còn làm Tổng trọng tài của ba trận chung kết cờ vua thế giới: Anatoly Karpov - Garry Kasparov năm 1984, Kasparov - Nigel Short 1993 và Kasparov - Vladimir Kramnik 2000.

Một nước cờ hay của Averbakh (Trắng) trong ván đấu năm 1947. Đây là nước duy nhất giúp Trắng có ưu thế thắng.

Một nước cờ hay của Averbakh (Trắng) trong ván đấu năm 1947. Đây là nước duy nhất giúp Trắng có ưu thế thắng.

Bài học về cột mở của Vua cờ Carlsen

 Magnus Carlsen hạ kỳ thủ số chín thế giới Shakhriyar Mamedyarov hôm 25/1 để độc chiếm đỉnh bảng siêu giải Tata Steel.

Carlsen nâng tỷ số thắng thua với Mamedyarov lên 7-2, với chiến thắng ở ván chín siêu giải Tata Steel tại Hà Lan hôm 25/1. Ảnh: Chess.com

Carlsen nâng tỷ số thắng thua với Mamedyarov lên 7-2, với chiến thắng ở ván chín siêu giải Tata Steel tại Hà Lan hôm 25/1. Ảnh: Chess.com

Cầm quân trắng gặp Mamedyarov ở ván chín, Carlsen tiếp tục dùng khai cuộc Catalan như đã chuẩn bị cho trận tranh ngôi Vua cờ cuối năm 2021 với Ian Nepomniachtchi. Mamedyarov có phong cách chơi quyết liệt và anh chọn biến phòng thủ mở, chấp nhận đòn thí tốt. Kỳ thủ số một Azerbaijan sau đó còn thí chất để tạo cấu trúc tốt mạnh ở cánh hậu. Nhưng Carlsen cũng không ngần ngại chấp nhận đòn thí, rồi chồng xe ở cột mở và tấn công nhanh hơn.

Thế cờ sau 13...Nd5. Trắng có thể lợi chất bằng nước 14.Nxd5, rồi 15.Bxa5, và dùng tượng đổi xe đen. Đổi lại, Đen tạo được cặp tốt mạnh ở b4 và c4.

Thế cờ sau 13...Nd5. Trắng có thể lợi chất bằng nước 14.Nxd5, rồi 15.Bxa5, và dùng tượng đổi xe đen. Đổi lại, Đen tạo được cặp tốt mạnh ở b4 và c4.

Nếu Trắng chấp nhận đòn thí chất ngay, hình cờ sau nước 16...Qxb6 như trên. Trắng còn hai xe, nhưng trên bàn cờ không có cột mở nào để xe tận dụng sức mạnh đó. Vì thế Đen có thể kịp triển khai các quân nhẹ, tạo ra thế trận kín để chúng phát huy sức mạnh. Đen gần như không có điểm yếu trong hình cờ này, còn Trắng phải lo bào vệ tốt d4.

Nếu Trắng chấp nhận đòn thí chất ngay, hình cờ sau nước 16...Qxb6 như trên. Trắng còn hai xe, nhưng trên bàn cờ không có cột mở nào để xe tận dụng sức mạnh đó. Vì thế Đen có thể kịp triển khai các quân nhẹ, tạo ra thế trận kín để chúng phát huy sức mạnh. Đen gần như không có điểm yếu trong hình cờ này, còn Trắng phải lo bào vệ tốt d4.

Nhận thức được việc giành lợi chất ngay lập tức có thể không đem lại ưu thế, Carlsen đi một nước cờ trung gian và tạo ra khác biệt hoàn toàn. "Tôi có thể đoán trước Mamedyarov sẽ thí chất, vì đó là phong cách của anh ấy", Carlsen nói. "Cũng dễ hiểu khi anh ấy muốn giữ thế chủ động, bằng cách thí chất. Nhưng tôi đã không chấp nhận đòn thí ở lần đầu tiên".

Nước trung gian mà Carlsen sử dụng là đổi tốt cột a lấy tốt cột b, để mở cột a. Anh hiểu rằng Trắng sẽ chỉ có lợi thế khi hơn chất, nếu tạo ra cột mở.

Nước 14, Carlsen đi axb5. Và sau cxd5, Trắng mới đi theo quy trình như trên, đó là 15.Nxd5 và 16.Bxa5.

Nước 14, Carlsen đi axb5. Và sau cxd5, Trắng mới đi theo quy trình như trên, đó là 15.Nxd5 và 16.Bxa5.

Thế cờ sau 17...Qxb6. Lúc này cột a đã biến thành cột mở, và nhiệm vụ của Carlsen là tập trung các quân nặng ở cột này. Đây là một trong những bài học cơ bản trong cờ vua.

Thế cờ sau 17...Qxb6. Lúc này cột a đã biến thành cột mở, và nhiệm vụ của Carlsen là tập trung các quân nặng ở cột này. Đây là một trong những bài học cơ bản trong cờ vua.

"Quân xe rất, rất quan trọng khi được đặt trên cột mở", cựu số hai thế giới Hikaru Nakamura bình luận ván đấu. "Nó chỉ phát huy sức mạnh tối đa khi đặt vào vị trí này, vì khi đó nó có thể di chuyển từ bên này sang bên kia bàn cờ trong một nước đi. Khi có cơ hội để áp dụng những nguyên tắc cờ vua cơ bản như vậy, kỳ thủ như Carlsen không bao giờ bỏ lỡ".

Lúc này, máy tính đánh giá Trắng chỉ có ưu thế nhỏ. Đen vẫn có thể phản công với cặp tốt cơ động ở cánh hậu, nhưng Carlsen chồng xe và gây áp lực lên vua đen nhanh hơn. Mamedyarov xin thua chỉ sau đó 10 nước cờ.

Chiến thắng này giúp Carlsen độc chiếm đỉnh bảng Tata Steel với 6,5 điểm, hơn nhì bảng Anish Giri nửa điểm. Ở ván 10, Carlsen cầm quân đen gặp Sergey Karjakin.

Vua cờ cũng kiếm thêm 3,7 Elo từ ván chín. Sau chín ván, anh đang có thêm 2,7 Elo, nâng mức Elo lên 2.868. Hành trình vươn tới mốc 2.900 vẫn còn xa vời với Vua cờ Na Uy. Nhưng ít nhất, anh cũng lấy lại tinh thần sau những ván hoà trước đó.

Theo: vnexpress

Kỳ thủ 17 tuổi phá sự thống trị của Vua cờ Carlsen

  Hạ Vua cờ Magnus Carlsen, kỳ thủ Nodirbek Abdusattorov (Uzbekistan) lần đầu vô địch cờ nhanh thế giới tối 28/12.

Carlsen bước vào giải cờ nhanh thế giới với sự thống trị ở mọi thể loại cờ, khi là đương kim vô địch lẫn số một thế giới về Elo ở cờ tiêu chuẩn, nhanh và chớp. Trước ngày thi cuối cùng cờ nhanh tối 28/12, Carlsen cũng dẫn đầu với nửa điểm nhiều hơn phần còn lại. Nhưng, ngay ở ván đầu tiên của ngày cuối, Carlsen thua Abdusattorov và mất vị trí dẫn đầu vào tay kỳ thủ 17 tuổi. Kể từ đó, Carlsen không còn đuổi kịp tài năng trẻ Uzbekistan.

Carlsen bắt tay xin thua Abdusattorov ở ván 10 giải cờ nhanh thế giới tối 28/12 tại Warsaw, Ba Lan. Ảnh: Chess.com

Carlsen bắt tay xin thua Abdusattorov ở ván 10 giải cờ nhanh thế giới tối 28/12 tại Warsaw, Ba Lan. Ảnh: Chess.com

Dù thắng Levon Aronian ở ván áp chót để bắt kịp điểm số với Abdusattorov, Carlsen vẫn không thể vào loạt đấu tie-break tranh vô địch. Sau ván cuối, có tới bốn kỳ thủ cùng dẫn đầu với 9,5 điểm, gồm Abdusattorov, Ian Nepomniachtchi, Carlsen và Fabiano Caruana. Theo điều lệ giải, ngay cả nếu nhiều kỳ thủ bằng điểm, sẽ chỉ có hai người có chỉ số phụ cao nhất vào đánh tie-break. Chỉ số phụ đầu tiên được xét đến là hệ số Buchholz (tổng điểm các đối thủ). Theo Buchholz, Abdusattorov và Nepomniachtchi có hệ số cao hơn, nên vào đánh tie-break tranh chức vô địch.

Abdusattorov và Nepomniachtchi đánh hai ván cờ chớp đổi màu quân. Ở ván đầu tiên cầm quân đen, Abdusattorov cầm hoà đàn anh. Đến ván thứ hai, kỳ thủ số 132 thế giới thắng ở tàn cuộc xe và vô địch. Anh phá nhiều kỷ lục khi cùng là kỳ thủ trẻ nhất, có Elo thấp nhất và thứ bậc FIDE thấp nhất vô địch cờ nhanh thế giới.

Elo cờ tiêu chuẩn của Abdusattorov tháng 12/2021 là 2.633, còn cờ nhanh là 2.593. Màn thể hiện của anh tại giải tương đương với kỳ thủ có Elo 2.801. Anh kiếm thêm 77 Elo cờ nhanh, lên mức 2.670. Abdusattorov vô địch, nhưng tiền thưởng được chia đều cho những kỳ thủ bằng điểm. Vì thế, anh cùng Nepomniachtchi, Carlsen và Caruana mỗi người nhận 45.000 USD.

Trong hành trình đến chức vô địch, Abdusattorov thắng cả Caruana, Aronian, Carlsen lẫn Nepomniachtchi. "Tôi hạnh phúc, nhưng cũng mệt vì không có thời gian nghỉ ngơi, vì ngày mai sẽ bắt đầu một giải khác", Abdusattorov nói sau chiến thắng hôm 28/12.

Tối nay 29/12, giờ Hà Nội, giải cờ chớp thế giới sẽ khởi tranh cũng tại Warsaw, Ba Lan. Các kỳ thủ đấu 21 ván theo hệ Thuỵ Sĩ, tính điểm. Một ván thắng được một điểm, hoà nửa điểm và thua không được điểm. Thời gian cho một kỳ thủ ở mỗi ván là ba phút, thêm hai giây sau mỗi nước đi. Tiền thưởng ở giải cờ chớp giống hệt cờ nhanh. Carlsen thống trị giải cờ chớp khi vô địch ba năm gần nhất. Theo Elo tức thời, Abdusattorov đang ở trong top 100 thế giới ở cả ba thể loại cờ. Elo cờ chớp của anh là 2.702, đứng thứ 36 thế giới.

Abdusattorov sinh năm 2004 tại Tashkent, Uzbekistan. Anh thành Đại kiện tướng khi mới 13 tuổi, một tháng và 11 ngày, và là Đại kiện tướng trẻ thứ sáu lịch sử. Anh vô địch U8 thế giới năm 2012. Một năm sau, anh hạ hai Đại kiện tướng. Khi mới 11 tuổi, Abdusattorov đã vào top 100 kỳ thủ trẻ thế giới, và anh là người trẻ nhất lịch sử làm được điều này. Tại Cup Thế giới 2021, Abdusattorov cũng bất ngờ loại cao thủ Anish Giri ở vòng ba. Abdusattorov không còn cơ hội dự giải Thách đấu năm 2022, nhưng anh có thể là ứng viên tiềm năng tranh ngôi Vua cờ trong những năm sau đó.

 
Liên Hệ [x]
hotline090 264 1618