Thứ Hai, 21 tháng 3, 2016

Cờ vua: Muốn nâng tầm cần phải đầu tư

Quang Liêm luôn là bài toán khó giải với những nhà quản lý cờ Việt Nam. Trong tổ chức thi đấu, nếu Liêm vắng mặt, họ lo sốt vó xem giải đấu cuốn hút được không. Trong chuyên môn, Liêm đã ở nước ngoài, quyết định thi đấu giải nào phụ thuộc ở cá nhân anh, những người ở trong nước lại không gánh vác được trọng trách…
Tổ chức giải cờ vua ở Việt Nam cũng giống nhiều môn thể thao khác, phải có ngôi sao mới có sức thu hút. Không ai đánh giá thấp những kỳ thủ dự giải quốc tế HDBank 2016 vừa bế mạc tại TPHCM. Tuy nhiên, khi vắng Lê Quang Liêm (phút chót không về dự giải được do bị ốm), giải đấu kém sức hấp dẫn và sự quan tâm chỉ ở mức vừa tầm.
Đại diện cho Việt Nam (ở hệ master, hệ đấu gồm VĐV có elo cao được chú ý nhất) vẫn có Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Đào Thiên Hải, Cao Sang, Trần Tuấn Minh, Nguyễn Anh Dũng, Lê Tuấn Minh, Từ Hoàng Thông… Tất cả họ không tạo hiệu ứng chỉ bằng một mình Lê Quang Liêm. Nhiều người đã mong cậu bé Nguyễn Anh Khôi tạo được dấu ấn. Nhưng thực tế, Khôi chưa ở trình độ đủ làm khuynh đảo các ván đấu. Vị trí hạng 15 sau giải của kỳ thủ nhỏ tuổi này đã cho thấy Khôi cần nhiều thời gian mới có năng lực và là ngôi sao như đàn anh Quang Liêm.
Muon nang tam phai dau tu - Anh 1
Phương Thảo vô địch giải HDBank 2016.
Ảnh: TL.
Vắng ngôi sao số 1, tại giải năm 2016, chức vô địch nội quan trọng đã không thuộc về kỳ thủ chủ nhà. Vì lẽ ấy, người hâm mộ nhớ Liêm vô cùng. Năm 2014, Quang Liêm dự giải HDBank và khi đó, đại kiện tướng người TPHCM chỉ về nhì. Chức vô địch năm đó thuộc về Nguyễn Ngọc Trường Sơn. Chính cuộc thua của ngôi sao hàng đầu Quang Liêm ấy cũng góp phần gây tò mò và thu hút sự quan tâm của nhiều người. Năm nay, vào phút chót Liêm không về (trước khi tranh tài, Quang Liêm đang là đương kim vô địch), dường như mọi thông tin của giới truyền thông không còn đủ đầy.
Khép lại giải, kỳ thủ nữ Phạm Lê Thảo Nguyên đoạt chức vô địch nữ nhưng điều ấy không tạo được thêm sự khác biệt nào. Người trong nghề đều hiểu cấp độ challenge có sự tranh tài giữa những kỳ thủ vừa tầm nhau và hệ số elo thấp hơn hệ master. Vì thế, ngôi vô địch của Thảo Nguyên không quá bất ngờ.
Giải cờ vua quốc tế HDBank từ khi ra đời tới nay chỉ thi đấu duy nhất tại TPHCM. Hiện tại, ngoài TPHCM, Hà Nội thì nhiều thành phố có người theo dõi, đam mê phong trào cờ vua không chuyên đông đảo. Người hâm mộ luôn mong cơ hội được xem một giải quốc tế tổ chức tại địa phương mình. Và nếu được, Quang Liêm hay Trường Sơn sẽ góp mặt. Tiếc rằng, nhà quản lý môn cờ vua chưa tổ chức được.
Ngôi sao cần có cơ chế đãi ngộ tốt
Lê Quang Liêm (TPHCM), Phạm Lê Thảo Nguyên, Nguyễn Ngọc Trường Sơn (cùng của Cần Thơ)… đang là những kỳ thủ được đơn vị chủ quản đầu tư đáng kể nhất. Dù học tập tại Mỹ, Liêm thuộc quản lý của đội cờ vua TPHCM và hàng tháng, đơn vị vẫn trả lương cho VĐV không dưới 10 triệu đồng. Vợ chồng Thảo Nguyên - Trường Sơn đang là nhóm kỳ thủ tuyến 1 của cờ vua Cần Thơ. Đơn vị này đưa chính sách đãi ngộ thu hút nhân tài mạnh mẽ nên mời được Trường Sơn từ Kiên Giang về đầu quân từ đầu năm 2015. Mức lương của Sơn khoảng 17 triệu đồng/tháng. Gương mặt trẻ sáng giá Nguyễn Anh Khôi của TPHCM hiện nhận lương tháng của cờ vua tại đây.
Thực tế, Khôi đang đứng giữa ngả đường học tập hay chơi cờ vua chuyên nghiệp nên chưa quyết định cụ thể. Hơi tiếc cho kỳ thủ này, ngay khi phát hiện tài năng, cờ vua TPHCM lẽ ra nên đầu tư mạnh, thuê thầy ngoại đào tạo tốt hơn thì khả năng bứt lên của Khôi còn hiệu quả hơn lúc này. Bây giờ, Khôi do kỳ thủ cựu trào Đào Thiên Hải huấn luyện. Họ là những kỳ thủ có tên tuổi được nhắc nhiều nên mọi người biết đến. Tại các địa phương khác, nhiều kỳ thủ đang tập luyện, thi đấu nhưng mức lương khá ít ỏi. Tất cả chỉ có mong ước được đầu tư để nâng tầm, ít nhất bằng hình thức thuê thầy ngoại huấn luyện. Tiền không nhiều, chưa kể ở các địa phương, môn cờ vua là môn thứ yếu nên rất khó nhận đầu tư mạnh.
Cách đây 4 năm, Quang Liêm và Trường Sơn nhận được gói tài trợ trị giá 200.000USD (Liêm được 150.000, Sơn được 50.000) từ Liên đoàn Cờ vua Việt Nam. Chương trình đầu tư ký kết, hoạch định giải ngân theo từng năm giúp VĐV có nguồn lực tập luyện, thuê thầy nâng tầm hơn. Gói đầu tư ấy đã đứt đoạn giữa đường. Liên đoàn nhận tiền từ nhà tài trợ, sau đó nhà tài trợ khó khăn không chi nên phải từ bỏ.
Chi phí cho VĐV cờ vua có thể không cao ở trang thiết bị, dụng cụ, nhưng đầu tư nâng tầm trí tuệ rất tốn kém do muốn thăng tiến phải được thi đấu quốc tế nhiều cùng thuê thầy ngoại có trình độ cao chỉ dẫn. Chung quy lại, gánh nặng tài chính luôn là bài toán khó giải với tất cả các bộ môn cờ ở mỗi địa phương cũng như Liên đoàn cờ Việt Nam.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Liên Hệ [x]
hotline090 264 1618